Khi nói về Thanh Hóa người ta không chỉ nhắc đến những địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh như: khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thành nhà Hồ, bãi biển Sầm Sơn,… mà còn có những món ăn nổi tiếng như nem chua, bánh gai,… đã làm cho Thanh Hóa nổi tiếng trong mắt bạn bè gần xa. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những món ăn làm nên thương hiệu ẩm thực xứ Thanh các bạn nhé.
1. Nem chua
Nem chua là món ăn có ở hầu hết các vùng miền trên cả nước, nhưng nổi bật hơn cả đó chính là nem chua Thanh Hóa. Không biết từ bao giờ người dân xứ Thanh đã nghĩ ra cách làm nem rất độc đáo.
Nguyên liệu chính là thịt lợn, bì lợn, tỏi, ớt, đinh lăng. Tất cả được gói trong lá chuối tươi sau 2 ngày để lên men nem có độ chua và nem chín là có thể đem ra dùng ngay. Nem có nhiều loại khác nhau, ngoài nem dài cổ truyền còn có nem cối, nem oản,… Khi dùng thì ăn cùng tương ớt tạo nên một hương vị cay cay, chua chua, rất độc đáo của riêng xứ Thanh. Người dân nơi đây còn sáng tạo ra nhiều món nem khác như nem thính, nem rán, nem nướng,…
2. Bánh gai
Bánh gai nổi tiếng nhất có lẽ là bánh gai Tứ Trụ (xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân). Trước kia, bánh được dùng trong các dịp lễ tết để cúng tế thì ngày nay, người làng làm bánh quanh năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày. Nguyên liệu chính của bánh có lá gai, gạo nếp, đậu xanh, vừng, dầu chuối, mật mía. Bánh được hấp cách thủy có mùi của dầu chuối, ngọt đậm của mật mía, dẻo thơm của nếp, thoảng mùi lá chuối.
3. Bánh răng bừa
Món bánh răng bừa nổi tiếng ở làng Trung Lập, huyện Thọ Xuân. Chiếc bánh có tên gọi lạ như vậy là vì bánh có hình dáng như chiếc răng bừa. Để có những chiếc bánh ngon người làm bánh phải cẩn thận từ khâu chọn nguyên liệu và từng công đoạn.
Bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối. Gạo phải là gạo thơm đem ngâm qua đêm sau đó xay mịn rồi đun lên khuấy đều cho khỏi vón cục. Nhân bánh gồm có thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu và hành khô băm nhỏ tất cả đem xào qua. Bánh có có thể dùng nóng hay dùng nguội đều rất ngon.
4. Cơm lam Thanh Hóa
Cơm Lam là món ăn đặc trưng của người miền núi xứ Thanh như Cẩm Thủy, Quan Hóa, Bá Thước. Cơm không nấu bằng nồi như chúng ta thường thấy mà được nấu trong ống nứa tươi. Để có một ống cơm Lam ngon người ta chọn những cây nứa nhỏ có kích thước vừa bằng cổ tay người là thích hợp nhất.
Gạo nấu cơm lam phải là gạo nếp mới được đãi sạch, cho muối vào trộn đều rồi đổ vào ống nứa. Khi nướng trên lửa, phải xoay đều ống nứa để cơm chín đều, khi ống nứa chuyển sang màu vàng, cháy xén vỏ là cơm đã chín.
Nhiều người dân Thanh Hóa đã đi xa quê lâu năm, nhìn lại hình ảnh ống cơm Lam bỗng thấy nhớ quê, nhớ nhà, nhớ những ngày đi chăn trâu, đi hái củi mẹ làm cho ống cơm lam để ăn cả ngày. Được ngồi lưng trâu, thổi sáo trúc, chia nhau cơm lam muối vừng…đôi khi món ăn là cả hương vị quê hương!
5. Gỏi cá nhệch
Gỏi cá nhệch ở Nga Sơn, Thanh Hóa lôi cuốn thực khách bởi vị dai ngọt mát và rất lạ miệng. Điểm nhấn tạo nên vị lạ ở món ăn đó chính là gỏi được ăn cùng với rau má, rau diếp cá. Không những thế gỏi nhệch các nơi khác được chấm với nước mắm và mắm tôm thì gỏi nhệch Nga Sơn được chấm với chẻo nhệch. Chẻo được làm từ xương cá giã nhuyễn chưng với mẻ chua và các loại gia vị đặc trưng khác. Chẻo có màu đỏ sậm, đặc sánh, đậm đà, váng mỡ và thơm nức mũi.
Không chỉ có những món ăn trên mà Thanh Hóa còn có rất nhiều món ăn khác nổi tiếng. Nếu có dịp đến thăm Thanh Hoá bạn nhớ hãy thưởng thức những món ăn đặc sản và không quên mua về làm quà cho người thân và gia đình nhé.
Cảm ơn bạn đã đọc.
Hãy share nếu thấy bài viết hay nhé!
>> Xem thêm: Cách làm bánh trung thu truyền thống đơn giản nhất